Vì Nền Nông Nghiệp Sạch

Chưa bao giờ, tình trạng ô nhiễm không khí, đất đai, nguồn nước lại tràn lan như bây giờ. Chưa bao giờ nông sản thực phẩm lại không an toàn như bây giờ. Báo chí, truyền hình không ngày nào lại không có thông tin về thực phẩm bẩn đang trên đường vận chuyển hoặc bày bán ở các chợ. Vấn nạn nông sản thực phẩm không an toàn – “con đường từ bàn ăn ra nghĩa địa chưa bao giờ lại ngắn như bây giờ” cũng đã được đặt ra trên diễn dàn Quốc hội.

Nguồn gốc nông sản, thực phẩm không an toàn phát xuất từ đâu? Trước hết từ người sản xuất. Tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, sản xuất theo kinh nghiệm hoặc học theo, tình trạng sản xuất được mùa mất giá, được giá mất mùa… là nguyên nhân khiến người sản xuất – hộ nông dân – khó làm chủ được chất lượng sản phẩm của mình. Khi có sâu bệnh, một nhà phun xịt thuốc trừ sâu, thấy hiệu quả, nhà khác sẽ làm theo. Phun một loại thuốc, sâu không chết, thì tìm loại khác, không cần biết độ độc hại thế nào. Các đại lý bán thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kiêm luôn bán phân bón và thức ăn gia súc, thường chỉ dẫn cho người sử dụng theo kinh nghiệm, “sống chết mặc bây…”.

“Đối tượng” thứ hai là nhà phân phối – cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ. Họ là lực lượng có khả năng và điều kiện  tốt nhất kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, do lợi ích chi phối và vai trò kiểm soát của Nhà nước chưa hiệu quả, chính họ lại là “tác giả” chế biến và lưu hành thực phẩm bẩn: Heo bơm nước, trái cây bơm hóa chất cho mau chín, rau nhúng hoá chất cho xanh, bóng đẹp…

“Đối tượng” thứ ba là người tiêu dùng. Chính thói quen “tiện đâu mua đó”, không cần biết đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, thông tin địa chỉ của người sản xuất, vô tình đã trở thành hành vi tiếp tay cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, nông sản thực phẩm bẩn.

Những chợ truyền thống, chợ vỉa hè, xe đẩy, gánh hàng rong… thường là địa chỉ tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Chúng ta không tẩy chay chợ truyền thống hoặc các điểm bán vỉa hè nếu họ không vi phạm trật tự công cộng. Nhưng, là người tiêu dùng thông minh, bạn và tôi có quyền “nói không” với hàng hóa nông sản phẩm không có thương hiệu, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, niên hạn sử dụng. Thái độ đó, không chỉ trực tiếp giữ gìn sức khoẻ cho mình và gia đình mình, mà còn góp phần xây dựng một thói quen tiêu dùng: chỉ sử dụng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ. Đó cũng là biện pháp góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là vai trò dẫn dắt và kiểm soát của Nhà nước, cụ thể là chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở. Để có một nền nông nghiệp sạch, các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ không thể “tự túm tóc nhấc mình lên” được. Họ cần phải được vận động, tập hợp thành những đơn vị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thông qua chính sách khuyến khích ưu đãi vay vốn tín dụng lãi suất thấp và miễn giảm thuế. Ở đó, họ có điều kiện ứng dụng quy trình công nghệ cao vào các khâu sản xuất, từ lựa chọn giống, chăm sóc, bơm tưới, bón phân, đến thu hoạch, bảo quản. Sản phẩm đưa ra thị trường có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình canh tác, họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người sản xuất… Nếu các chính sách “dẫn dắt” thực thi hiệu quả, chắn chắn sản phẩm của các nông dân hợp tác sẽ có giá trị gấp nhiều lần so với sản xuất nhỏ lẻ. Và một khi người sản xuất có được lợi nhuận cao với nông sản sạch, chắc chắn sẽ từ hạn chế đến loại trừ sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và các chế phẩm độc hại khác.

Cần phải coi những kẻ vì lợi nhuận cá nhân hay doanh nghiệp mà xả thải gây ô nhiễm môi trường; sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm độc hại là phạm tội ác đặc biệt nghiêm trọng: hủy diệt sự sống con người. Do vậy, luật pháp cần được điều chỉnh, bổ sung khung hình phạt theo hướng tăng nặng đối với các tội danh nói trên. Song song đó, lực lượng kiểm soát môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần được tăng cường cả về lượng và chất, quyền hạn và trách nhiệm để thực thi nhiệm vụ.

Xây dựng một nền nông nghiệp sạch không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành nông nghiệp!