Vũ Long – Nơi đầu tiên ở Việt Nam trồng rau má thủy canh

Vũ Long – Nơi đầu tiên ở Việt Nam trồng rau má thủy canh

Vườn rau má xanh mướt của anh Beo nằm cặp đường ĐT850, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Bên trong vườn, một vài nhân công đang thu hoạch, chỉ có tiếng kéo cắt rau và tiếng nước chảy trong hệ thống thủy canh. Vốn là loại rau má vườn nên lá nhỏ, có khía, chồi sum suê. Anh Beo nhấc từng cốc thủy canh để kiểm tra bộ rễ.

“Trước khi làm, tôi tìm hiểu qua nhiều mô hình thủy canh, có người làm thành công có người thì lâm nợ chủ yếu là đầu ra không ổn định. Sở dĩ tui chọn rau má để trồng vì nếu khó khăn về thị trường vẫn có thể neo rau trên giàn mà không sợ chúng ra hoa, không bán được”, anh Beo nói.

Anh Beo từng đảm nhiệm vị trí quản lý thị trường cho một nhãn hiệu phân bón ở Cần Thơ với thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng chàng kỹ sư miền Tây ấp ủ dự định quay về quê nhà khởi nghiệp, vừa giúp người dân quê mình có công việc ổn định, vừa muốn xây dựng vị thế mới cho rau má.

Anh mất 2 năm thuần giống rau má vườn để chúng có thể thích nghi với môi trường thủy canh. Sau đó, anh bắt tay xây dựng nhà màng khép kín, lắp dàn thủy canh hình chữ A, giúp tăng diện tích gieo trồng từ 700 m2 lên 6.000 m2.

“Thức ăn” cho rau là các chất dinh dưỡng dạng lỏng, cần cho cây như NPK và các nguyên tố trung lượng, vi lượng. Dung dịch thủy canh do anh nghiên cứu từ kinh nghiệm tích lũy hơn 10 năm làm trong lĩnh vực phân bón. Hệ thống chăm sóc hoàn toàn tự động, được thao tác trên smartphone, chỉ cần thuê 5-10 nhân công thu hoạch rau mỗi ngày. Tổng chi phí đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng chưa tính giá trị đất.

Tháng 3/2020, anh Beo bắt đầu đưa rau má lên giàn trồng. Giống rau má vườn ít sâu bệnh, khi trồng trong nhà kín cũng tương đối dễ chăm sóc. “Nhà màng hạn chế sâu bệnh bên ngoài tấn công vào vườn. Trường hợp cây nào bị nhiễm sâu bệnh sẽ dễ phát hiện và thay thế bằng cây mới. Khi cần thiết mới can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo thời gian cách ly trước khi cắt bán”, anh Beo cho biết.

Sau khi rau má lên giàn khoảng một tháng, anh bắt đầu thu hoạch xoay vòng, trung bình mỗi ngày hơn 100 kg rau. Thị trường chính là các chợ truyền thống, quầy rau an toàn, cửa hàng đặc sản, giá bán dao động 25.000-35.000 đồng mỗi kg. Gốc rau bị cắt sau đó nhảy lên lá khác, khoảng 2 năm anh sẽ trồng mới lại cả vườn.

Bên cạnh rau tươi, anh tập trung chế biến thành bột rau má và xem đây là sản phẩm chủ lực. Bột thành phần 100% từ rau má vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể dùng làm đẹp. Trung bình 100 kg rau tươi sẽ chế biến được 6 kg bột. Giá bột khoảng 1,8 triệu đồng một kg. Sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập từ vườn thủy canh khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Ước tính sau 2 năm, chủ vườn có thể hòa vốn.

Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Lãnh, đánh giá mô hình trồng rau má thủy canh của anh Beo bước đầu cho hiệu quả kinh tế tốt. Ngoài ra, vườn thủy canh gần Khu di tích Xẻo Quýt có thể mở điểm dừng chân, tham quan vườn rau, kết hợp bán sản phẩm.

“Đây là vườn thủy canh đầu tiên trồng giống rau má, có đầu ra ổn định. Bản thân chủ vườn đã có những định hướng phù hợp như chế biến bột rau má, đa dạng hóa sản phẩm và chủ động tìm đầu ra”, ông Sơn cho biết.

Mấy ngày qua, Covid-19 ở tỉnh Đồng Tháp diễn biến phức tạp, các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch đều làm việc “bở hơi tai”. Không thể góp sức, anh Beo quyết định tặng toàn bộ số rau má tươi tươi tại vườn cho các điểm nóng chống dịch với hy vọng tiếp thêm dinh dưỡng, góp một phần nhỏ chung tay đẩy lùi Covid-19.

Share this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.